11

HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2022

Lao động là hoạt động tất yếu diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Lao động để mưu sinh, để trang trải cuộc sống, để đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Đối với người lao động, tai nạn lao động là một nguy cơ có thể xảy đến với họ bất cứ lúc nào. Hậu quả của tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và thu nhập của người lao động mà còn khiến lợi nhuận của người sử dụng lao động bị tác động bởi chi phí bồi thường. Chính vì vậy việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là đều tất yếu và trước tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì an toàn, vệ sinh trong lao động cần được đặc biệt chú trọng và hơn hết phải có sự thực hiện đồng bộ, chung tay của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Để hưởng ứng Tháng an toàn, vệ sinh lao động từ ngày 01/5 – 31/5/2022 với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Trung tâm Y tế huyện Lai Vung tuyên truyền một số biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động như sau:

1. Đối với người sử dụng lao động: Theo điều 16 Luật an toàn vệ sinh lao động 84/2015/QH13 quy định như sau: Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

– Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; Bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

– Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

– Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

– Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

– Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho.

– Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

– Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

– Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.

2. Đối với người lao động:

  • Chấp hành nghiêm quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động do người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
  • Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
  • Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.
  • Tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
  • Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
  • Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như trên thì việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID -19 trong tình hình hiện nay là vô cùng cần thiết, người sử dụng lao động cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động hiểu và tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội, nâng cao nâng suất, hiệu quả lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế./.