10

Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5/6)

1. Hoàn cảnh ra đời

Ở thập niên 60, các vấn đề về môi trường không được quan tâm dẫn đến hiện tượng suy thoái, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Khi ý thức được những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống, con người đã bắt đầu có chuỗi hành động thiết thực. 

Cụ thể, trong hai ngày 5 – 6/6/1972, Hội nghị của Liên hợp quốc đã diễn ra tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Đại diện 113 quốc gia đã cùng bàn luận về Con người & Môi trường.

Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc chính thức được thành lập. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc cũng quyết định chọn ngày 5/6 làm Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day).

Như vậy, ngày Môi trường thế giới (World Environment Day) là ngày lễ quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 05 tháng 06 để nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường toàn cầu và khuyến khích hành động để bảo vệ môi trường Trái đất.

2. Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2024

Theo Công văn 2964/BTNMT-TTTT 2024 ban hành ngày 09/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Mộ trường, Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động. nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

3. Tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về đường hô hấp. Không khí bị ô nhiễm có sự biến đổi lớn về thành phần. Trong đó có chứa các loại bụi mịn/siêu mịn, khí SO₂, NO₂,… không phù hợp cho quá trình hô hấp của con người.

Trẻ em và người già tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm giảm chức năng của phổi, nhiễm trùng đường hô hấp hay năng hơn là hen suyễn.

+ Dị ứng:

Viêm mũi dị ứng: Gây ra bởi sự thay đổi của thời tiết, khói bụi mà đặc biệt là các loại bụi mịn cùng các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn,…;

Viêm da cơ địa: Đây là bệnh mãn tính cũng có xu hướng tăng lên theo tình hình ô nhiễm không khí do đô thị hóa và công nghiệp hóa.

+ Ung thư:

Theo nghiên cứu, 75 – 80% các ca mắc ung thư đều có liên quan đến môi trường sống và chỉ có 10% là do rối loạn bên trong cơ thể. Số liệu này chỉ ra rằng, chính những thứ chúng ta có thể kiểm soát được đang gây hại đến sức khỏe, trong đó có ô nhiễm môi trường.

– Ung thư do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm: Nước chứa các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nước bị ô nhiễm lâu ngày chứa Asen…. Nguyên nhân này gây ra đến 90% ca ung thư tử vong tại Việt Nam.

– Ô nhiễm không khí được nghiên cứu là có liên quan đến bệnh ung thư vú. Các hạt bụi mịn, khi sulfat từ khói thải xe cùng với NO₂ là nguyên nhân làm gia tăng ung thư phổi.

Ngoài ra ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hoá, rối loạn chuyển hoá và một số bệnh dịch bệnh khác.

4. Các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường

+ Giải pháp xử lý rác thải 3R

Giải pháp xử lý rác thải 3R chính là viết tắt của 3 từ Reduce (giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế). điều này giúp ta vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa bảo vệ tài nguyên lại còn tiết kiệm chi phí đáng kể.

+ Hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch

Khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân phổ biến gây ra ô nhiễm không khí. Sử dụng năng lượng xanh tức là các nguồn năng lượng có thể tái tạo, không gây ô nhiễm có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai không xa.

– Ưu tiên di chuyển bằng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe công cộng,…

– Chuyển sang sử dụng các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện.

– Có thể thay thế xăng sinh học e5 thay cho xăng dầu truyền thống.

– Thay thế điện gia đình bằng các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…

+ Trồng cây 

Phương pháp hiệu quả và đơn giản nhất để hạn chế ô nhiễm môi trường chính là trồng cây. Cây xanh có thể hấp thụ một số các chất khí độc hại từ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Cây còn ngăn ngừa sạt lở đất gây ra bởi lũ lụt, hạn chế ô nhiễm đất,…

+ Giáo dục nhận thức về hậu quả của ô nhiễm môi trường

Các lớp trẻ nên được giáo dục nhận thức về hậu quả của ô nhiễm môi trường từ sớm để nâng cao ý thức và hiểu biết về tình trạng đáng báo động này.

Đây là vấn đề cấp thiết gây ra nhiều tác hại đến nhiều khía cạnh của cuộc sống ở thế hệ mai sau. Khi nhận thức tốt về môi trường và hậu quả khi phá hoại nó thì người dân sẽ có ý thức hơn về công tác bảo vệ và thực hiện những hành động vì môi trường dù là nhỏ nhặt nhất hàng ngày.

Nguồn: Bộ Tài nguyên môi trường

Bùi Minh Tiến – Tổng hợp.