10

Trung tâm y tế huyện Lai Vung Triển khai tiêm ngừa uốn ván – bạch hầu (td) năm 2020

Trung tâm Y tế huyện Lai Vung tiến hành triển khai hoạt động tiêm ngừa uốn ván – bạch hầu (td) cho trẻ học lớp 02 trong các trường học và trẻ sinh năm 2012 (kể cả trẻ sinh trước năm 2012 học lớp 02 và trẻ sinh năm 2012 học lớp 01) và trong cộng đồng sinh từ 01/01/2012 đến 31/12/2012 (tại vùng có nguy cơ cao hiện đang cư trú trên địa bàn huyện Lai Vung). Tổng số trẻ dự kiến tiêm trên toàn huyện là 3.251 trẻ.

          Từ ngày 11 tháng 06 Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn rà soát lập danh sách các đối tượng cần được tiêm chủng theo quy định. Đồng thời tiến hành tiêm chủng vào ngày 23 – 24 tháng 6 năm 2020 với các địa điểm tiêm chủng cụ thể như sau:

          + Tại Trạm Y tế các xã, thị trấn: Tiêm chủng cho trẻ không đi học và thực
hiện tiêm vét.

          + Triển khai tại các điểm tiêm chủng tại nhà: Đối với các địa phương,
vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận (nếu có).

          + Triển khai tại trường học: Tiêm chủng cho trẻ em học lớp 2 và trẻ sinh năm 2012 học lớp 1 (kể cả trẻ sinh trước năm 2012)

          Vắc xin TD thực hiện trong đợt tiêm chủng này là vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất, lọ 10 liều dạng dung dịch.

          Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván tại các vùng có nguy cơ cao. Đảm bảo trên 90% tỷ lệ trẻ học lớp 02 trong các trường học và trẻ sinh năm 2012 trong cộng đồng trên quy mô xã, thị trấn tại các địa phương triển khai thực hiện tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin uốn ván, bạch hầu giảm liều (td), đảm bảo an toàn chất lượng tiêm chung theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 11/7/2016 của Chính phủ.

          Theo đó, Trung tâm Y tế huyện Lai Vung thông tin đến với toàn thể người dân có con sinh từ 01/01/2012 đến 31/12/2012 chủ động liện hệ với Trạm y tế tại địa phương  để được hướng dẫn và thực hiện tiêm ngừa bạch hầu – uốn ván (td) vào ngày 23 –và 24 tháng 6 năm./.

BẸNH UỐNG VÀN VÀ BẠCH HẦU LÀ GÌ? 

Bệnh bạch hầu, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản…với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh. Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng ở các thể như bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản với các biểu hiện như có giả mạc thường màu trắng ngà hay trắng xám, dính chặt vào niêm mạc ở phía dưới, khi bóc dễ chảy máu, có xu hướng phát triển và lan rộng rất nhanh. Ngoài ra còn có hội chứng nhiễm độc, bệnh nhân lừ đừ, biếng ăn, da xanh, sổ mũi, nổi hạch cổ, hạch góc hàm làm cổ bạnh ra. Đặc biệt bạch hầu ở thanh quản có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ, biểu hiện trẻ khàn tiếng, khó thở và ngạt, khi đó trẻ lịm dần bất động, tím tái rồi tử vong. Ngoại độc tố vi khuẩn bạch hầu còn gây biến chứng liệt hầu họng làm trẻ khó nuốt dễ bị sặc, liệt các chi, rối loạn nhịp tim dễ tử vong vì truỵ tim mạch.

Uốn ván, cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện co giật cứng toàn thân xảy ra sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn…). Khi co thắt các cơ hầu họng bệnh nhân khó nuốt, co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Đối với uốn ván sơ sinh, trẻ sơ sinh nào bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu, sau đó không bú trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 ngày và có các biểu hiện như: Trẻ bị co giật hoặc co cứng khi bị kích thích nhẹ như ánh sáng, tiếng động, khi sờ vào trẻ hoặc trẻ có dấu hiệu co cứng với bất kỳ các dấu hiệu như: cứng hàm, tay hoặc chân co quắp, môi mím chặt, lưng uốn cong. Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao.

        Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván có hiệu quả nhất. Để phòng bệnh, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh và khi đủ 18 tháng sẽ tiêm thêm một mũi vắc xin DPT4. Riêng để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ có thai cần được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván.

Nguồn: www.tiemchungmorong.vn

Minh Tiến – Phòng CTXH