10

MUỐI ĂN VÀ SỨC KHOẺ

Muối ăn hay trong dân gian còn gọi đơn giản là muối, được mọi người sử dụng như một thứ gia vị thêm vào thức ăn để chế biến, bảo quản thực phẩm. Muối ăn có thành phần chủ yếu là natri clorua (NaCl), trong đó natri (sodium) chiếm khoảng 40% trọng lượng của muối. Ngoài ra, natri còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh, mì chính, bột nở và nhiều loại gia vị mặn khác.

Muối rất cần thiết đối với cơ thể. Trong cơ thể người, natri đóng vai trò quan trọng để điều chỉnh và cân bằng dịch thể, cân bằng axít – bazơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh – cơ, điều hòa huyết áp, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng và bảo đảm chức năng bình thường của tế bào. Cụ thể như:

  • Bảo đảm thăng bằng kềm toan, ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm.
  • Giữ cân bằng nước trong và ngoài tế bào, trong lòng mạch máu, duy trì áp lực thẩm thấu, duy trì điện thế tế bào và dẫn truyền xung động thần kinh.
  • Giúp giữ nước trong cơ thể, hỗ trợ hoạt động của thận, nhằm giữ lượng nước thích hợp trong máu, giúp điều hòa huyết áp.
  • Kích thích sự co giãn cơ, giữ canxi và các khoáng chất khác trong máu.
  • Đóng vai trò chính cho hấp thụ chất dinh dưỡng trong quá trình tiêu hóa.

Ngoài ra, trong đơi sống muối còn mang lại rất nhiều lợi ích như: sử dụng làm chất điều vị, tạo vị mặn cho thực phẩm, bảo quản thực phẩm.

Mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây tác hại cho sức khỏe. Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác như suy giảm nhận thức, rối loạn thính lực và làm bệnh hen phến quản nặng thêm…Không ăn thừa muối sẽ giúp bảo vệ  sức khỏe và phòng, chống các bệnh nêu trên. Một số biện pháp giảm sử dụng muối:

  1. Cho bớt muối: Giảm lượng muối và gia vị mặn khi chế biến thức ăn. Khi nấu ăn hãy cố gắng giảm dần lượng muối, gia vị… nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối, gia vị cho vào thức ăn, cũng không nên cho muối, nước mắm vào nước luộc rau.
  2. Chấm nhẹ tay: Giảm lượng muối, gia vị mặn, nước chấm trên bàn. Hạn chế nước chấm trên bàn, chấm nhẹ tay, không chấm đẫm thức ăn, pha loãng nước chấm, khi ăn trái cây cũng không nên chấm muối và gia vị.
  3. Giảm ngay đồ mặn: Giảm sử dụng thực phẩm và thức ăn có nhiều muối. Tăng cường ăn thực phẩm tươi thay thực phẩm đóng hộp, đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn trước khi mua, giảm ăn các món kho, rim, các loại dưa muối, dưa cà, các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền, xúc xích, không ăn nhiều nước súp/nước lèo khi ăn ở hàng quán…

Nguyễn Minh Thư – Tổng hợp.