10

Hưởng ứng ngày Dân số Việt Nam (26/12) và Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12)

Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Giữa dân số và phát triển kinh tế – xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Muốn tăng trưở kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ.

Công tác Dân số – KHHGĐ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ những năm đầu của thập kỷ 60, với việc ban hành Quyết định số 216/QĐ-CP 26/12/1961 của Hội đồng chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Quyết định đã nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dậy con được chu đáo. Đây là mốc quan trọng để Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTG ngày 19/5/1997 lấy ngày 26/12 hàng năm là Ngày Dân số Việt Nam.

Với mục đích nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông về dân số theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;  Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tính chất, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể; động viên được tinh thần tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành cũng như các cơ quan phối hợp; sự hưởng ứng tích cực của người dân; tổ chức thực hiện tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông khác.

Tháng hành động quốc gia về Dân số và Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023 với chủ đề:Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” diễn ra từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tập trung  các nội dung tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước.

Theo định hướng công tác dân số tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đã được UBND huyện ban hành đặc biệt chú trọng các nội dung về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước, cụ thể như:

– Tuyên truyền, vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn là thực hiện trách nhiệm đối với tương lai hạnh phúc gia đình của chính mình và toàn xã hội.

– Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Qua đó giúp phát hiện và điều trị sớm một số bệnh, tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau. Phòng tránh một số dị tật bẩm sinh cho con cái trong trường hợp người bố hoặc người mẹ mắc các bệnh nguy hiểm có thể di truyền như tan máu bẩm sinh, rối loạn đông máu … qua đó nâng cao nhận thức và vận động người dân tự nguyện tham gia.

– Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai kỳ tốt để sinh con khỏe mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo VTN/TN, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm SKSS/KHHGĐ góp phần giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.

– Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tuyên truyền về tác hại, hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống …

– Tuyên truyền về tác hại của mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất nhằm chuẩn bị cho phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi./.

Dương Thị Thuỳ Yên – Tổng hợp