13

NHẬN BIẾT NHỮNG DẤU HIỆU CỦA ĐỘT QUỴ

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh thường xuất hiện đột ngột, nhiều khi để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, nếu nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh sẽ hạn chế được những tác hại đáng tiếc. Nhận biết đột quỵ ngay từ sớm để đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời gian vàng là yếu tố quyết định trong việc cứu sống và giảm thiểu di chứng về sau.

Cần ghi nhớ nguyên tắc FAST để kịp thời nhận biết và có hành động giúp đỡ người bệnh:

F (Face – Mặt)

Mặt đột nhiên có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch, các nếp nhăn trên trán mất ở một bên.

A (Arms – Tay)

Tay chân đột ngột tê mỏi, cử động khó khăn hoặc không cử động được, thường gặp 1 bên tay hoặc chân, hoặc cả tay và chân cùng bên. Người bệnh không thực hiện được động tác đưa ngón tay lên chóp mũi ở bên bị yếu liệt.

S (Speech – Lời nói)

Đột nhiên nói ngọng khó nghe hơn trước, khi nói phải gắng sức hoặc không nói được.

T (Time – Thời gian)

Khi thấy các dấu hiệu trên, gọi ngay cấp cứu.

Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như:

– Rối loạn tri giác: người bệnh đột nhiên lú lẫn, không nhận biết được bản thân và xung quanh. Nghiêm trọng hơn có thể ngất xỉu, mất ý thức.

– Rối loạn thị giác: mắt mờ đột ngột, có thể một bên hoặc cả hai bên. Dấu hiệu này thường chỉ có người bệnh tự nhận biết được.

– Đau đầu: người bệnh cảm thấy đau đầu dữ dội chưa từng có trước đây, uống thuốc cũng không đỡ. Đặc biệt ở người có tiền sử đau nửa đầu. Có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

– Cơ thể đột ngột mất thăng bằng: người bệnh đột ngột thấy chóng mặt, cơ thể lảo đảo mất thăng bằng, di chuyển khó khăn.

Đột quỵ có thể xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như: lớn tuổi, nam giới, tiền sử bản thân hoặc gia đình từng mắc đột quỵ, có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, thừa cân béo phì,…), thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia,…

Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào như đã nói đến ở trên, những người xung quanh cần cấp cứu ngay hoặc nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: Bs. Trần Thị Trúc Ly – Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc.