12

NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM 01/7

Bảo hiểm y tế là chính sách đảm bảo an sinh xã hội, với việc hình thành quỹ bảo hiểm y tế độc lập với ngân sách nhà nước do người tham gia bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động, quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng, đồng thời từ các nguồn hỗ trợ khác đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định để đảm bảo công tác khám chữa bệnh y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế.

Bảo hiểm y tế mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Chính vì tầm quan trọng của bảo hiểm y tế mang lại mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTG, ngày 16/6/2009  chọn ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.

Nhân ngày Bảo hiểm  Y tế Việt Nam (1/7) nhằm giúp mọi người hiểu rõ được ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT Trung tâm y tế huyện Lai Vung cung cấp những thông tin khái quát về chính sách Bảo hiểm Y tế của Nhà nước ta với những nội dung cụ thể như sau:

1. Bảo hiểm Y tế là gì?

“BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực CSSK, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm phải tham gia theo quy định của Luật BHYT”. Nói cụ thể hơn, đó là một cách dành dụm một khoản tiền trong số tiền thu nhập hàng tháng của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào Quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý nhằm mục đích giúp mọi thành viên tham gia Quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSK khi người tham gia không may ốm đau phải sử dụng các dịch vụ đó, mà không phải trực tiếp trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), cơ quan BHXH thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT.

2. Mức đóng bảo hiểm y tế 

Căn cứ theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014, Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về mức đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

Mức đóng BHYT thuộc nhóm 3 đối tượng 

Đối với 3 nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng và nhóm do ngân sách Nhà nước đóng thì mức đóng BHYT là 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng.

Mức đóng nhóm hộ gia đình

Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; 

Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; 

Người thứ 3  đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; 

Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; 

Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Nhóm do Ngân sách nhà nước đóng:

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo =>  Mức hỗ trợ tối thiểu là 70% TLCS

Học sinh, sinh viên. =>  Mức hỗ trợ tối thiểu là 30% TLCS.

Hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp có mức thu nhập trung bình. =>  Mức hỗ trợ tối thiểu là 50% TLCS.

3. Quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế

Mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến:

100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng:

a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ;

b) Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân;

c) Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

d) Học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;

đ) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh

e) Trẻ em dưới 6 tuổi;

g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

j) Khám, chữa bệnh một lần thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám, chữa bệnh tại tuyến xã;

k) Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.

95% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng 

+ Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

+ Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ người được BHYT chi trả 100% chi phí;

+ Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

80% chi phí nếu là các đối tượng khác

Mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến

40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương;

60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 tại bệnh viện tuyến tỉnh;

100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.

Riêng người sống tại xã đảo, huyện đảo; người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đi khám không đúng tuyến vẫn được hưởng theo mức hưởng đúng tuyến.

Tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật; đồng thời được chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cũng là thể hiện đạo lý truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam ta. Tham gia BHYT vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi. Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy tích cực tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn./.

Diệu Hiền – PCTXH TTYT Lai Vung